Đề án chia tách huyện Từ Liêm bắt đầu cách đây 7 năm và trải qua nhiều lần chỉnh sửa. Vì vậy, việc chênh lệch,sai sót trong thông tin, dữ liệu là điều có thể hiểu được?
Theo ông Thư, đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm hiện đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua và tài liệu trình Chính phủ mới là bản "chính thức và chuẩn xác nhất".
“Hiện toàn bộ hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm đã hoàn thành, và được 100% thành viên hội đồng thẩm định của Chính phủ bỏ phiếu tán thành. Sắp tới Chính phủ sẽ xem xét để có quyết định cuối cùng. Lãnh đạo huyện không có gì phải băn khoăn về số liệu trong đề án”, ông Thư nói.
Bí thư Huyện uỷ Từ Liêm Lê Văn Thư. |
Liên quan đến một số quan ngại về kinh phí, bộ máy quản lý sẽ “phình ra” gấp đôi khi thành lập hai quận mới, Bí thư Từ Liêm thừa nhận con số đó rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Thư, đó là toàn bộ chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm cả năm. Trong đó, 300 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, trả lương cho hơn 5.000 giáo viên, 100 tỷ đồng cho chính sách xã hội, người có công, 100 tỷ đồng cho hỗ trợ các chính sách nông nghiệp, giao thông nông thôn…
"Khoản ngân sách 563 tỷ đồng không có gì là tốn kém, nếu có thêm số đó phục vụ nhân dân thì càng khuyến khích. Mỗi năm huyện chi cho quét rác cũng đã lên tới 60 tỷ đồng. Với mức chi như vậy, lẽ ra phải vỗ tay hoan hô chứ không phải kêu ca”, ông Thư nói. Tuy nhiên, lãnh đạo Từ Liêm cũng thừa nhận, dự toán chi đầu tư hạ tầng khi thành lập hai quận mới sẽ ít nhất là tăng gấp đôi.
Lý giải cho việc tăng số lượng công chức khi lập quận mới, ông Thư nói, quy định bình quân cả nước là 29 công chức/1.000 người dân, huyện Từ Liêm hiện nay là 40 - 50 công chức/1.000 dân, khi tách đôi sẽ thiếu. Do đó, việc tăng cán bộ là đương nhiên để phục vụ tốt hơn cho người dân.
Lãnh đạo huyện Từ Liêm cũng cam kết rằng, các đơn vị hành chính của quận mới sẽ cố gắng phục vụ tốt để nhân dân yên tâm; các chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân sau khi thành lập quận sẽ được đảm bảo như giao đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đất dịch vụ hay các chính sách người có công...
Mới đây đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên đã có công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trong đó chỉ ra một số sai sót về số liệu trong đề án thành lập hai quận mới Từ Liêm. Theo đại biểu Kiên, đề án điều chỉnh địa giới hành chính do huyện Từ Liêm xây dựng là quá sơ sài, thiếu tính thuyết phục đối với một số chỉ tiêu về dân số, hạ tầng. Thậm chí theo ông, đã có những chỉnh sửa nhằm “làm đẹp số liệu” đề án khi trình cấp thẩm quyền thông qua.
Như vậy, những "sai sót" trong đề án chia tách Từ Liêm không phải do hòan tòan vô tình mà có thể hạn chế tối đa bằng cách hiện thực hóa và công khai những thông số thực sự.